Hiện nay, trong xã hội, phong trào ăn chay được phố biến khá rộng rãi tới nhiều tầng lớp người dân. Trước kia trong văn hóa người Việt có lẽ ăn chay thường gắn liền với hình ảnh của nhà sư tu hành trong chùa. Rồi một thời gian gần đây, việc ăn chay còn gắn liền với hình ảnh những người muốn giảm cân hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo. Trong dân gian có câu "bệnh tùng khẩu nhập"- bệnh từ miệng mà đi vào, nói đến vấn đề ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh tật của con người. Hay có câu" ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối" nhằm đề cao đạo đức con người hơn là hình thức ăn uống. Ở một số nơi, người dân có ăn chay vào ngày rằm và mùng một để tỏ lòng hướng Phật.


Đối với người Công Giáo, ăn chay để biểu lộ lòng sám hối, ăn năn, tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Khái niệm ăn chay thường đi kèm với ăn kiêng, theo đó hàng năm, người công giáo, ăn chay và kiêng thịt vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh (hoặc thêm cả các ngày thứ 6 trong năm). Trong ngày chay chỉ được ăn một bữa no còn những bữa khác chỉ được ăn chút ít để bụng còn đói. Ngoài ra không được ăn vặt đồ ăn cứng như kẹo, bánh, nhưng được uống các loại nước. Trong ngày này, cấm ăn thịt, nội tạng loài máu nóng …. Nhưng được dùng các nước thịt và các đồ ăn có pha chất thịt, như cháo nước thịt. Được ăn cá và loài máu lạnh (như ếch, rùa, sò, cua, tôm), được phép dùng trứng và các sản phẩm từ sữa như bơ và pho mát…


Đối với người theo đạo Hồi, họ có hẳn một tháng ăn chay gọi là Ramada. Khái niệm ăn chay ở trong tháng Ramada nghĩa là tất cả những người theo đạo tiến hành nhịn ăn và nhịn uống vào ban ngày và chỉ ăn, uống sau khi mặt trời đã lặn. Về chủng loại đồ ăn trong tháng Ramada không có gì thay đổi so với bình thường, chỉ có khác là về thời gian sử dụng. Việc thực hiện quy định này giúp người theo đạo có sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc. Mặt khác giúp rèn luyện cho tín đồ đạo Hồi một tinh thần mạnh mẽ, chống lại những cám dỗ vật chất.


Với bộ môn Yoga, ở đó hành giả Yogin rèn luyện thân xác, khép mình trong những ràng buộc, điều khiển của tâm trí. Để dần dần đưa tâm trí trở nên tĩnh lặng và trở thành chủ nhân đích thực của thân xác. Những đồ ăn nhằm thỏa mãn niềm ham muốn của cơ thể đồng thời ảnh hưởng xấu đến tâm trí đều bị loại bỏ như: thịt cá, hành tỏi, rượu, các chất gây nghiện, các chất kích thích. Những đồ ăn mà các nhà Yoga hay dùng đó là: ngũ cốc, hoa quả, rau tươi, bơ, sữa, pho mát, mật ong, nước trái cây. Việc dùng các đồ phù hợp giúp những tín đồ bộ môn Yoga dần loại bỏ sự lệ thuộc vào thân xác, đồng thời kiểm soát được toàn bộ tâm trí của của mình.


Đối với người theo đạo Phật mục đích ăn chay là tôn trọng và bảo vệ sự sống, phát triển lòng từ bi, lối sống thanh sạch, giản dị, tiêu giảm nghiệp chướng. Trong đó tôn trọng sự sống là một trong những đặc điểm quan trọng của Phật giáo. Với giới luật "Không sát sanh", đã trở thành 1 trong 5 giới luật. Và ăn chay đối với những người theo đạo Phật chính là sự thực hành cụ thể cho giới luật này. Ăn chay theo đạo Phật được hiểu là không ăn các thực phẩm có nguồn gốc động vật và sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Dưới con mắt người trần tục hiện nay phần nhiều đều cho rằng các nhà sư là "phải ăn chay" nhưng thực tế việc ăn chay đối với các tu sĩ là không bắt buộc. Điều này tùy thuộc vào từng tông phái, quy định của chùa và phát nguyện của từng tu sĩ.


Với nền y học và khoa học hiện đại, việc ăn chay được cho là có nhiều lợi ích, giúp phòng chống được bệnh tật. Và áp dụng chung cho tất cả mọi người không phụ thuộc vào tín ngưỡng, tôn giáo. Chế độ ăn chay có ít cholesterol, ít acid béo bão hòa, nhiều acid béo chưa bão hòa, có nhiều flavonoid và caroten, nhiều vitamin E, C có tác dụng chống các gốc tự do phát sinh trong cơ thể. Do vậy mà ăn chay phòng chống được nhiều bệnh như: béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường, sỏi mật, ung thư, sa sút trí tuệ... Ngoài ra, ăn chay còn có khuynh hướng ít bị viêm ruột thừa, ít bị hội chứng đại tràng kích thích, trĩ và giãn tĩnh mạch chi... Ăn chay theo y học hiện đại cũng có nhiều khuynh hướng: ăn chay tuyệt đối (toàn bộ thực phẩm từ thực vật); ăn chay tương đối (có bổ sung thêm trứng và sữa). Tuy nhiên các nhà dinh dưỡng cũng khuyến cáo người ăn chay nên lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp đa dạng, nhằm khắc phục các nhược điểm của đồ chay.


Gần đây phong trào thực dưỡng Ohsawa (còn gọi là ăn gạo lứt, muối mè), được du nhập vào nước ta, được coi là phao cứu sinh với những bệnh nhân ung thư. Đây là một phương pháp ăn uống không liên quan đến tâm linh hay tôn giáo, ở đó coi trọng vấn đề cân bằng âm dương trong đồ ăn để tiến tới người dùng có một cơ thể khỏe mạnh và tâm trí sáng suốt. Các bữa ăn lấy gạo lứt làm trung tâm và sử dụng các thực phẩm ngũ cốc, rau quả..., ít qua chế biến. Và thức ăn duy nhất còn lại có thể chỉ là gạo lứt và muối mè.


Trong bộ môn Khí công Tâm Linh, thầy Huệ Tâm thường nói: việc ăn chay cốt là để cơ thể chúng ta sạch hơn ... (Mà cơ thể có sạch thì trước mắt cơ thể chúng ta khỏe mạnh hơn và sau nữa sẽ càng gần với các không gian cao hơn (Thần, Thánh, Tiên, Phật...)). Mặc dù thầy có nói về lợi ích của việc ăn chay để làm cơ thể sạch hơn. Nhưng Thầy cũng không khuyến khích hay cấm đoán việc ăn chay. Đây cũng là một điều dễ hiểu, bởi trong bộ môn KCTL có rất nhiều cách để làm cơ thể sạch, hiệu quả hơn, thiết thực hơn là việc làm sạch cơ thể bằng những đồ chay. Việc ăn chay hay không ăn chay không ảnh hưởng hay đóng góp nhiều trong quá trình tu luyện. Theo như lời thầy hay dạy "việc đó không quan trọng".


Có thể thấy rằng việc ăn chay thực sự mang lại những lợi ích về mặt phát triển đời sống tâm linh cũng như đời sống xã hội của con người. Nó không chỉ tồn tại riêng trong những nghi thức, giới điều của các tôn giáo mà còn lan rộng phát triển tới đại chúng người dân như một biện pháp giữ gìn sức khỏe và tinh thần.


Trải nghiệm ăn chay: Hai vợ chồng tôi ăn chay được một thời gian, với khái niệm ăn chay chỉ là tương đối, như hạn chế tối đa các loại thịt, thức ăn chủ yếu là cơm (cả gạo lứt) và các loại rau, củ, quả... Lúc mới đầu, cũng thấy phức tạp, vì phải nấu nhiều món hơn, nhưng dần cũng quen hơn. Nhiều lúc hai vợ chồng cũng phải động viên nhau vì ra ngoài, đi nhiều nơi, ăn uống cũng phức tạp. Hỏi ý kiến của con thì con bảo "Ăn chay mất năng lượng!" (cười!). Rồi sau cũng thống nhất với khái niệm ăn chay chỉ là tương đối. Trải nghiệm về ăn chay, tôi thấy có một vài ý hay nên muốn chia sẻ với mọi người.
+ Ăn chay chỉ khó chịu 3 ngày đầu, cái cảm giác ăn no những vẫn thấy trống. Nhưng nói chung cảm giác này vẫn bình thường không khó chịu cho lắm. Khoảng 1 tuần thì cơ thể bình thường trở lại. Sức khỏe bình thường, tinh thần ổn định. Không có gì thay đổi.
+ Sau 2 tuần thì ngồi thiền bắt đầu có cảm nhận khác: đó là khí cảm ở các bài luyện rất rõ ràng; từng lời hô của Thầy đều cho trạng thái khí cảm riêng biệt, không cần phải chú tâm lắm vẫn có thể cảm nhận được. Tâm trí đưa vào trạng thái tĩnh lặng dễ dàng hơn và lâu hơn.